Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Thơ tình Catullus


LỜI THỀ CỦA PHỤ NỮ

Em bảo tôi: em chỉ muốn trở thành người vợ của anh
Ngay cả thần Jupiter không muốn điều như thế.
Em nói vậy. Nhưng phụ nữ khi yêu bên tai người tình thỏ thẻ
Những lời bay lên trời, chui xuống nước rồi vội vã trôi nhanh.


TÔI CĂM THÙ – TÔI YÊU

Tôi căm thù nhưng mà yêu. Xin đừng hỏi tôi tại vì sao như vậy
Tự mình, tôi không biết tại vì sao, chỉ thấy mệt mỏi, rã rời.




CẢ GHÉT VÀ YÊU

Cả ghét và yêu sôi sục trong lòng tôi
Người hỏi “tại vì sao” ư?. Tôi không biết
Nhưng sức mạnh cả hai đều rất mãnh liệt
Sôi sục trong tim này, tôi khổ lắm người ơi.


CHỨNG CỚ CỦA TÌNH YÊU

Lesbia chửi rủa tôi. Không im lặng dù chỉ trong khoảnh khắc.
Tôi xin thề rằng em làm thế bởi vì yêu!
Tôi cũng chửi rủa em. Bởi không thể nào làm khác
Và xin thề rằng tôi làm thế cũng chỉ bởi vì yêu!




HÃY SỐNG HÃY YÊU

Lesbia, ta hãy sống, hãy yêu nhau
Mặc ai già cả thở dài than vắn
Ta sẽ không cho họ một cắc nào
Mặc kệ mặt trời cứ lên rồi lặn.
Em hãy nhớ rằng ngày của ta chóng tàn
Ta về ngủ trong đêm dài vô tận
Hãy hôn anh nghìn nụ hôn cháy bỏng
Rồi lại một nghìn, rồi lại một trăm
Còn khi đã hôn nhau cả trăm ngàn lần
Không cần biết và ta không cần đếm
Để ai ganh tỵ về ta đừng nói nhảm
Rằng hai chúng mình…
Đã hôn nhau cả vạn, cả ngàn.

== == ==

Thơ tình Horace (Horatius)


Carmina I, XI

Đừng hỏi gì về ngày sau, không biết được đâu, cả em và anh cũng thế
điểm cuối đã định rồi, Leuconoe ơi đừng mải mê gì với phép bói Babylon
tốt nhất là ta hãy biết sống với những gì mà giờ ta đang có.
Thần Juppiter còn cho bao nhiêu mùa đông nữa hay là đã cuối cùng

Mà giờ những con sóng đang dội vào vách đá trên biển Ty-ren
hãy khôn ngoan, nhấp ly rượu của mình và quãng thời gian ngắn ngủi
hy vọng dài lâu ta bỏ lại. Khi ta đang nói với nhau đây thì thời gian
ghen tỵ trôi mau: nắm bắt khoảnh khắc, chớ tin gì tương lai xa vời vợi.



Carmina I, XXXII

Hỡi Thiên cầm! Trong bóng cành bóng lá
giờ vui này xin gửi đến muôn năm
đàn hãy cùng ta khúc hát ngân vang
ngợi ca giống nòi La Mã.

Chàng trai người Lesbos lần đầu tiên
say mê đàn, dù chàng từng giận dữ
trong trận đánh, giữa biển trời bão tố
đã cập bến con thuyền.

Chàng ngợi ca Bacchus và Vệ nữ
với đứa con trai luôn ở bên mình
ngợi ca sắc đẹp của ánh mắt huyền
và mái tóc đen đúa.

Em là niềm vui của thần Apollo
trang điểm cho thần Juppiter dự tiệc
em mang cho đời niềm vui hạnh phúc
em hãy đến cùng ta. 



Carmina III, XXX

Tôi sẽ dựng tượng một đài bất tử cho mình
Cao hơn Kim tự tháp, vững chắc hơn tượng đồng
Trước bão táp phong ba muôn đời đứng vững
Và sẽ vẫn muôn đời tồn tại với thời gian.

Tôi sẽ không chết, mà dù chết vẫn còn
Di sản của tôi muôn thuở với cháu con
Niềm vinh quang còn sống một khi La Mã
Vẫn cứ hiên ngang tồn tại ở thế gian. 

Nơi sông Aufidus tuôn chảy suốt ngày đêm
Nơi ông vua Daunus vẫn cai trị dân lành
Lần đầu tôi mang câu thơ Aeolian xưa cổ
Tôi vốn xuất thân từ nòi giống khiêm nhường.

Đem thơ xưa vào bài ca nước Ý của mình
Với vùng đất Delphica tôi đã xứng danh
Hỡi Melpomene, hỡi Nàng Thơ muôn thuở
Hãy trao cho tôi vòng nguyệt quế vinh quang. 
______

*Aufidus – dòng sông ở phía nam nước Ý, quê hương của nhà thơ; Daunus – vua xứ Apulia, quê hương của nhà thơ; Thơ Aeolian – thơ Hy Lạp cổ; Delphica – vùng đất cổ ở Hy Lạp; Melpomene – theo thần thoại Hy Lạp, là nàng thơ của bi kịch, một trong chín người con gái của thần Dớt. 


Thơ tình Elizabeth Browning



EM YÊU ANH NHƯ THẾ NÀO

Em yêu anh thế nào? Để cho em nói
Yêu anh đến sâu tận cùng, đến cao vòi vọi
Hồn em có những gì mà mắt chẳng nhìn ra
Yêu anh như Ơn trên, đến tận cùng tồn tại. 

Em yêu anh như những thứ giữa đời thường
Mặt trời cho ban ngày, ngọn nến cho đêm tối
Yêu anh tự do, như người khát khao lẽ phải
Như lời nguyện cầu thanh tịnh trắng trong. 

Em yêu anh bằng đam mê cháy bỏng của em
Như mộng ước không thành, khát khao thời nhỏ
Bằng tình yêu mà em ngỡ là không còn nữa
Em yêu anh như yêu từng hơi thở của em. 

Như nước mắt, nụ cười! – và nếu Chúa trời chọn lựa
Sau khi chết, em còn yêu anh nhiều hơn thế nữa.


Sonnet 43. How do I love thee?

How do I love thee? Let me count the ways.
I love thee to the depth and breadth and height
My soul can reach, when feeling out of sight
For the ends of Being and ideal Grace.

I love thee to the level of everyday's
Most quiet need, by sun and candle-light.
I love thee freely, as men strive for Right;
I love thee purely, as they turn from Praise.

I love thee with the passion put to use
In my old griefs, and with my childhood's faith.
I love thee with a love I seemed to lose
With my lost saints,—I love thee with the breath,

Smiles, tears, of all my life!—and, if God choose,
I shall but love thee better after death.


ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT TRÊN TRẦN


Điều gì tốt đẹp nhất trên trần?
Đó là hoa hồng trong sương sớm
Là ngọn gió nam xua cơn mưa dầm 
Là sự thật, không nhẫn tâm với bạn
Là niềm vui không kết thúc vội vàng
Là sắc đẹp cả trong lúc huy hoàng
Không kiêu kỳ một cách quá trớn
Là tình yêu lần nữa cháy bừng lên.
Điều gì tốt đẹp nhất trên trần?
Là cái không có trên thế gian – tôi nghĩ thế. 


The Best Thing in the World

WHAT'S the best thing in the world?
June-rose, by May-dew impearled;
Sweet south-wind, that means no rain;
Truth, not cruel to a friend;
Pleasure, not in haste to end;
Beauty, not self-decked and curled
Till its pride is over-plain;
Love, when, so, you're loved again.
What's the best thing in the world?
--Something out of it, I think.



Thơ tình Wendy Cope


ĐÀN ÔNG DÊ

Đàn ông dê, như xe buýt kia đỏ sậm
Thường thì bạn chờ đợi hàng năm trời
Nhưng hễ ghé bến bạn có một người
Thì lập tức hai ba xe nhào đến. 

Bạn nhìn đèn người ta xi-nhan cho bạn
Ai cũng muốn bạn lên xe của mình
Nhưng mà bạn không có nhiều thời gian
Để mà lựa chọn cho mình điểm đến. 

Không thể quay lại – nếu như nhầm lẫn 
Nếu bạn nhảy ra thì chỉ biết đứng nhìn
Dòng xe cộ vội vàng lướt qua nhanh
Giống như thời gian, giống như năm tháng.


 Bloody men

Bloody men are like bloody buses –
You wait for about a year
And as soon as one approaches your stop
Two or three others appear.

You look at them flashing their indicators,
Offering you a ride.
You're trying to read the destinations,
You haven't much time to decide.

If you make a mistake, there is no turning back.
Jump off, and you'll stand there and gaze
While the cars and the taxis and lorries go by
And the phút, the hours, the days.



HAI VỊ THUỐC CHO TÌNH

1.Tránh ánh mắt người ta. Đừng gọi điện hoặc viết thư
2.Và cách này dễ hơn: tìm cách sống gần kề. 


Two Cures for Love

1. Don’t see him. Don’t phone or write a letter.
2. The easy way: get to know him better.


LỜI CHÚC GIÁNG SINH


Lại về đây, ngày giáng sinh đáng ghét
Chúng ta hãy nâng cốc chúc yêu thương
Chúc an lành, chúc những người đàn ông
Trong ngày này đàn ông lo rửa bát. 


Another Christmas Poem

Bloody Christmas, here again.
Let us raise a loving cup:
Peace on earth, goodwill to men,
And make them do the washing-up.



HOA

Những người khác không hề nghĩ như anh
Chỉ có anh mới nghĩ ra như vậy
Anh gần như đã mua hoa tặng em
Nhưng có điều gì xảy ra ở đấy. 

Hoặc cửa hàng đến giờ đóng cửa
Hoặc là anh ôm một mối nghi ngờ
Anh đã chọn nhưng rồi anh nghĩ lại
Nhỡ người ta không nhận, đã không mua. 

Em đã mỉm cười, đã ôm lấy anh
Và ta xa nhau từ ấy 
Nhưng bông hoa gần như mua cho em
Vẫn còn tươi thắm mãi.


Flowers

Some men never think of it.
You did. You'd come along
And say you'd nearly brought me flowers
But something had gone wrong.

The shop was closed. Or you had doubts -
The sort that minds like ours
Dream up incessantly. You thought
I might not want your flowers.

It made me smile and hug you then.
Now I can only smile.
But, look, the flowers you nearly brought
Have lasted all this while.



SAU BỮA ĂN TRƯA

Khi chia tay anh trên cầu Waterloo
Em đi trên cầu mà nước mắt trào ra
Em lấy găng tay lau dòng nước mắt
Cố không nghĩ rằng em đã yêu rồi. 

Trên cầu Waterloo em cố nghĩ điều này:
Chỉ vớ vẩn. Chút đồ uống và một đôi lời
Nhưng khúc ca dạt dào trong lồng ngực
Lại nghĩ khác. Và rằng em đã sai. 

Trên cầu Waterloo, gió lùa trên mái tóc
Anh là thằng ngốc. Em chẳng quan tâm
Nhưng có điều em không thể dối lòng
Em thừa nhận điều này và bước tiếp.


After the lunch

On Waterloo Bridge, where we said our goodbyes,
The weather conditions brought tears to my eyes.
I wipe them away with a black woolly glove,
And try not to notice I've fallen in love.

On Waterloo Bridge I'm trying to think:
This is nothing. You're high on the charm and the drink.
But the juke-box inside me is playing a song
That says something different. And when was it wrong?

On Waterloo Bridge with the wind in my hair
I'm tempted to skip. You're a fool. I don't care.
The head does its best but the heart is the boss -
I admit it before I am halfway across.

Thơ tình T. S. Eliot


BẢN TÌNH CA CỦA J. ALFRED PRUFROCK(1)

S’io credesse che mia risposta fosse
A persona che mai tornasse al mondo,
Questa fiamma staria senza piu scosse.

Ma perciocche giammai di questo fondo
Non torno vivo alcun, s’i’odo il vero,
Senza tema d’infamia ti rispondo.


Nào, ta hãy lên đường, anh và em
Trong buổi chiều lặng lẽ, dịu êm
Như người bệnh đang nằm trên bàn mổ
Ta hãy đi theo từng con phố nhỏ
Nơi vỏ sò chất đống ngổn ngang
ở nơi đó những quán rượu rẻ tiền
Những phòng trọ cho những đêm không ngủ
Đường phố dẫn vào cuộc tranh chấp, cãi cọ
Dẫn ta đến tận nơi
Và cho em, một câu hỏi chết người
Em đừng hỏi rằng “điều gì thế”
Nào, ta hãy đi về nơi đó.

Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
Họ nói chuyện về Michelangelo(2).

Sương màu vàng kì cọ trên mặt kính
Khói màu vàng chạm vào trên mặt kính
Liếm vào mọi góc của buổi hoàng hôn
Bám vào những rãnh mương
Trải lên ống khói
Trên bậc thềm bay nhảy
Nhìn thấy buổi chiều tháng Mười dịu êm
Và ngôi nhà đang ngủ im lìm.

Rồi đây, sẽ đến một thời gian
Trên đường phố làn khói màu vàng
Sẽ chùi lên mặt kính
Rồi sẽ đến một thời gian
Đối mặt phải sẵn sàng
Thời giết chóc và tạo dựng
Thời cho lao động
Câu hỏi này bày trên đĩa của em
Thời cho em và cho anh
Thời của một trăm điều do dự
Một trăm cái nhìn ra và sửa chữa
Khi cầm lấy cốc trà.

Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
Họ nói chuyện về Michelangelo.

Quả là sẽ đến một thời gian
Khi ngạc nhiên rằng “Không lẽ ta đã dám?”
Còn thời gian bước xuống bậc thang
Thời gian rảo bước trên mái tóc anh
(Thiên hạ sẽ nói rằng: “Đầu hắn ta đã bạc!”)
Chiếc áo khoác của anh cổ cồn cứng nhắc
Chiếc ca-ra-vát của anh có hình dáng giản đơn
(Thiên hạ sẽ nói rằng: “Hắn đã yếu tay chân!”)
Chẳng lẽ anh đã dám
Làm cho vũ trụ này lo lắng?
Mỗi phút – là thời gian
Để quyết định, nghi ngờ hay lật ngược hoàn toàn.

Điều này anh đã biết từ xưa
Những buổi chiều, những buổi sớm, buổi trưa
Cuộc đời mình anh dùng thìa cà phê đo đếm
Anh nghe những giọng hát từ đâu xa lắm
Nơi mà người ta theo nhạc hát lên
Là bởi vì anh đã dám?

Những điều này từ lâu anh đã biết
Những đôi mắt gắn anh vào công thức
Dán nhãn gim trên tường
Anh nằm trong đó thở than
Và anh bắt đầu
Khạc nhổ từ đầu ghép hai mảnh ván
Chẳng lẽ là anh lại dám?

Và những bàn tay này anh đã biết từ xưa
Những bàn tay đeo vòng, trắng và trọc lóc
Dưới ánh sáng ngọn đèn, có màu nâu mái tóc
Mà cũng có thể là
Mùi nước hoa từ quần áo tỏa ra?
Những bàn tay khăn quàng đem quấn
Chẳng lẽ là anh lại dám?
Và làm sao anh có thể bắt đầu?
………………………………….

Buổi hoàng hôn anh thơ thẩn trên những đường phố nhỏ
Và nhìn khói toả ra từ những ngôi nhà
Của những người cô đơn cúi mình bên cửa sổ?..

Ôi giá mà anh là hai càng cua bờm xờm
Chạy trốn vào trong đáy biển lặng im!
…………………………………….

Và buổi chiều đi vào đêm rồi êm đềm ngủ
Những bàn tay ấp ủ
Mệt mỏi… ngủ say… hay chỉ giả vờ
Ngủ say sưa ở dưới chân ta.
Có thể, sau khi uống trà và ăn bánh ngọt
Không cần đi vào những miền không thể biết?
Nhưng anh đã khóc, ăn chay, đã khóc và nguyện cầu
Và anh nhìn thấy trên mặt đĩa phẳng mái đầu.
Anh không phải nhà tiên tri – và đây không phải là điều gì vĩ đại
Anh nhìn thấy một lần và trước mặt anh lửa cháy
Một Người hầu(3) mặc áo khoác của anh và khúc khích cười
Nói tóm lại là anh đã thôi.

Và liệu có cần gì cho anh, sau tất cả
Sau bánh ngọt, cốc trà, trong lặng lẽ
Nói một điều gì đó về em và anh
Liệu có cần thiết chăng?
Với nụ cười rũ bỏ điều cấm đoán
Ôm cả hoàn cầu trong lòng im lặng
Và xoay quả đất với câu hỏi chết người
Rằng: “Ta là Lazarus từ cõi chết trở về đây
Ta quay trở về để nói ra tất cả” –
Nếu ai đó cái gối trên đầu đã sửa
Và nói rằng: “Không phải thế đâu
Tất cả đều không phải thế”.

Thì anh có cần gì sau đó
Thì anh còn cần thêm gì nữa
Sau những buổi hoàng hôn, sân trước và những đường phố mưa giăng
Sau ấm chén, sách vở, váy áo rải trên sàn
Và điều này, và hơn thế nữa?
Anh cứ ngỡ rằng lời chẳng có
Nhưng giống như khuôn mẫu trên màn hình
Thì liệu có còn cần thiết cho anh
Nếu như ai đó sửa lại khăn và gối
Và quay nhìn vào cửa sổ rồi nói:
“Tất cả không phải thế đâu
Tất cả đều không phải thế”.
……………………………..

Không! Anh không phải là Hamlet và không thể trở thành
Anh chỉ là người hầu, những kẻ ở xung quanh
Là kẻ bị người ta đẩy ra sân khấu
Rồi khuyên bảo phải thế này thế nọ
Người được tôn kính và rất sẵn lòng
Người cẩn trọng và khôn ngoan
Người cao sang nhưng hơi đần một chút
Theo thời gian có lẽ thành lố bịch
Theo thời gian thành kẻ pha trò.

Anh ngày một già thêm
Có lẽ anh phải xắn quần lên.

Liệu anh còn được ăn quả đào? Còn chải tóc trên trán?
Còn đi ra biển mặc quần màu trắng.
Và anh nghe những nàng tiên cá hát vang lên.

Nhưng bài hát này không phải để cho anh.

Anh thấy những nàng tiên cá bơi trên sóng biển
Những con sóng vuốt ve làn tóc trắng
Khi ngọn gió rì rào trên mặt nước trắng và đen.

Ta lang thang trong xứ sở của tiên
Nghe giọng nói của người trần và ta nức nở
Giọng nói gọi ta trở về trần thế, và ta chìm.
_____________
CHÚ THÍCH

(1)Eliot viết bài thơ này năm 1910, khi đang còn là sinh viên Đại học Harvard, viết xong năm 1911. Bốn năm sau đăng ở tạp chí Poetry (June 1915). Sau đó in trong tập thơ đầu tiên Prufrock and Other Observations (1917). Đề từ của bài thơ này trích từ Thần khúc của Dante:

Giá tôi biết rằng câu chuyện của mình
Nghe thấy được người còn quay trở lại
Thì ngọn lửa của tôi đã không run.

Nhưng bởi vì không còn đường trở lại
Tôi chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ
Nên tôi trả lời, xấu hổ chi mà ngại.
(Thần khúc_Địa ngục, khúc ca XXVII, dòng 61-66)

Ý nghĩa của những dòng thơ này như sau: giá như nhân vật tin chắc rằng câu chuyện của anh ta có ai đó nghe được và sau này quay trở lại trần gian kể cho mọi người những điều đã nghe thì anh ta đã chẳng nói ra. Điều đó có nghĩa là Bản tình ca… của Eliot không ca lên cho tất cả cùng nghe. Đọc bài thơ đến hết ta sẽ hiểu ra rằng Prufrock không hề yêu ai cả - ít ra là trong trường hợp Bản tình ca… này, không yêu một người phụ nữ nào trong những lời độc thoại của mình. “Em và anh” ở đây là Prufrock tự nói với chính mình đấy thôi, còn những người phụ nữ thì chỉ chuyện trò về Michelangelo. Đây là bài ca tình yêu thời hiện đại của chàng sinh viên Đại học Harvard, nếu có thể gọi đấy là tình yêu.
Prufrock, một mặt nào đó cũng giống như Hamlet với “to be, or not to be”(nên hay không nên), rất thận trọng và lưỡng lự, chàng cứ sợ rằng sau lời tỏ tình của mình thì cả thế giới này sẽ sụp đổ. Mặt khác, không biết liệu có nên làm cho thế gian phiền muộn hay không, nếu như đằng nào thì người đời cũng không nghe, không hiểu mình? Và, ngay cả nếu được như Lazarus (La-xa-rơ: Tân Ước_Giăng11: 43,44) từ cõi chết trở về muốn kể lại những điều về cuộc sống, cái chết thì cũng chẳng ai thèm nghe: những người phụ nữ trong phòng khách kia chỉ quan tâm những điều mà họ muốn nói. Thì khi ấy mong ước được trở thành “hai càng cua bờm xờm/ chạy trốn vào trong đáy biển lặng im…” Chủ đề của Bản tình ca… là không yêu được. Từ không yêu được đến không sống được cũng chẳng xa xôi gì, bởi thế ở đoạn cuối ta thấy xuất hiện các nàng tiên cá (các nàng tiên cá tượng trưng cho vẻ đẹp chết người, vẻ quyến rũ của phụ nữ) và bài thơ kết thúc bằng lời “ta chìm” (we drown).
(2)Michelangelo Buonarroti (1475-1564) – nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ Italia thời Phục hưng.
(3)Người hầu (the eternal Footman) – ở đây có nghĩa là cái chết, luôn luôn chuẩn bị bộ quần áo cuối cùng cho con người - áo quan.



ĐẤT HOANG

"Nam Sibyllam quidem Cumis ego ipse
oculis meis vidi in ampulla pendere, et cum
illi pueri dicerent: Σίβυλλα τί θέλεις;
respondebat ilia: άποθανείν θελω".
(Tôi từng nhìn thấy Xibila ở Cumai ngồi trong chai.
Khi bọn trẻ hỏi: “Bà muốn gì, Xibila?”
Xibila trả lời: “Muốn chết” (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ).


Tặng Ezra Pound
il miglior fabbro.
(bậc thầy cao hơn tôi (tiếng Italia)(1).

I. Lễ mai táng người chết

Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra
Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hòa
Ký ức với ước mong, và gây xúc động
Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.
Mùa đông sưởi ấm lòng ta
Chở che mặt đất bằng tuyết dày quên lãng
Nuôi cuộc đời bằng những cọng cây khô.
Mùa hè đến bất chợt trên hồ Starnbergersee(2)
Với những cơn mưa, chúng em dừng chân bên dãy cột to
Sau đó đi về Hofgarten trong ánh nắng
Chúng em uống cà phê và suốt cả giờ trò chuyện.
Bin gar keine Russin, stamm’ aus Litauen, echt deutsch.
(Em không phải người Nga, sinh ở Lít-va, là người Đức chính cống)
Ngày còn bé chúng em thường đến chơi với người anh
Hoàng tử Áo – anh ấy rủ em đi xe trượt tuyết
Thấy em sợ hãi thì anh ấy động viên:
Marie, em giữ cho chắc vào. Ta bắt đầu đầu trượt.
Giữa núi đồi sẽ thanh thoát nhẹ nhàng.
Em đọc sách ban đêm và đi về phương Nam mùa đông.

Rễ nào bám vào, cành nào mọc lên
Từ đá vỡ này? Con người trần(3)
Không thể nói ra, ước chừng, vì chỉ biết
Một đống hình vỡ, nơi ánh mặt trời đập
Cây chết không cho bóng, cào cào chẳng làm khuây(4)
Đá khô không có nước, mà chỉ có ở đây
Chiếc bóng của loài đá đỏ(5)
(Hãy đứng dưới bóng của loài đá đó)
Và em sẽ chỉ cho anh một cái gì đó
Không như cái bóng người buổi sáng ở sau lưng
Hay cái bóng buổi chiều ở trước mặt anh
Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi.
Frisch weht der Wind(6)
Der Heimat zu.
Mein Irsch Kind
Wo weilest du?
(Mát lành cơn gió thổi
Gió thổi về quê hương.
Em nơi mô chờ đợi
Hở cô bé Ai-len?)
“Năm ngoái người trao em hyacinths(7) lần đầu tiên
Người ta gọi em là lan dạ hương thiếu nữ”.
– Nhưng khi ta trở về từ vườn Hyacinth đó
Tay em đầy hoa và mái tóc đầy sương
Anh không nói nên lời, đôi mắt anh mơ màng
Dở sống, dở chết, anh không biết gì hết cả
Anh nhìn vào con tim ánh sáng – và lặng lẽ
Od’ und leer das Meer(8).
(Biển hoang vu, vời vợi, triền miên).

Bà Sosostris(9) nhìn thấu được cả những cái vô hình
Dù bà có bị cảm lạnh nhưng mà vẫn
Nổi tiếng khắp châu Âu là người đoán đúng
Với một cỗ bài. Bà nói: con bài của anh kia
Người thủy thủ bị chìm của xứ Phê-ni-xi(10).
(Hãy xem kìa: đôi mắt như ngọc châu lấp lóa)
Còn đây là Belladonna(11), bà chúa tể của bao vách đá
Bà chủ của những tình thế nọ kia.
Người đàn ông với ba cây gậy, và đây bánh xe
Còn đây là nhà thương gia một mắt
Quân này trống, có vật gì trên lưng được đặt
Thì ta chẳng nhìn ra. Không nhận ra
Người treo cổ. Hãy coi chừng chết đuối.
Ta thấy một đoàn người đi quanh vòng ấy.
Cám ơn. Nếu anh nhìn thấy ngài Equitone(12)
Thì nói rằng lá số ta mang đến cho ông
Thời buổi này hãy nhớ dè chừng, cẩn thận.

Thành phố có vẻ như trong tưởng tượng
Dưới làn sương mù của buổi sáng mùa đông
Người ta chen chúc nhau trên cầu Luân Đôn
Tôi đã không nghĩ rằng thần chết bắt nhiều người ghê gớm(13).
Những tiếng thở dài trong không trung hiếm hoi và ngắn(14)
Và mỗi người đều đưa mắt nhìn xuống bàn chân.
Đi lên đồi và đi xuống phố King William(15)
Nơi đồng hồ chuông Saint Mary Woolnoth buông xuống
Âm thanh chết của giờ thứ chín.
Tôi nhìn thấy một người quen và tôi gọi: “Stetson!
Có phải ta đã cùng chiến đấu trên tàu ở Mylae(16) không?
Cái xác mà anh chôn ở trong vườn năm ngoái
Có xanh tốt? Có nở hoa, kết trái?
Có sống qua được băng giá của đời?
Hãy tránh xa chó, chó không hẳn là bạn của người
Kẻo nó dùng móng chân của mình đào bới lại!(17)
Anh! Hypocrite lecteur! – mon semblable, – mon frere!”(18)
(Anh! Bạn đọc đạo đức giả! – người giống tôi, – người anh em của tôi!)
___________
CHÚ THÍCH

Trường ca “Đất hoang” in lần đầu ở tạp chí Criterion (London) tháng 10 – 1922. “Đất hoang” là biểu tượng của châu Âu sau chiến tranh thế giới I, khủng hoảng tinh thần, thiếu lòng tin… Tuy vậy ẩn ý của trường ca là những cuộc truy tìm chiếc Chén Thần (Holy Grail), chiếc chén mà Chúa Giê-su đã uống trong bữa ăn cuối cùng. Eliot lên hệ với truyền thuyết trong tác phẩm “Cành vàng” của J. Fraser. Vua Cá (Fisher King – biểu tượng của cuộc sống) bị làm bùa phép và bị giết, mặt đất trở thành đất hoang. Chàng hoàng tử Perceval (Percyvelle) giải thoát được cho nhà vua bằng cách vượt qua nhiều thử thách tìm đến Nhà Nguyện để nhận biết những nghi lễ của Chén Thần… Eliot thường xuyên so sánh, đối chiếu hiện tại với quá khứ.
Trường ca có 5 phần. Chúng tôi trích dịch phần I – là phần nổi tiếng nhất, thường được đưa vào các tuyển tập. Trong các tác phẩm của mình, Eliot dùng tiếng Anh xen lẫn với tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Hy Lạp cổ… Trung thành với nguyên tác chúng tôi dịch phần tiếng Anh còn các ngôn ngữ khác để nguyên như trong nguyên tác và thêm phần tiếng Việt trong dấu mở, đóng ngoặc.

(1)Đề từ của trường ca lấy từ tác phẩm Satyricon (chương 48) của nhà văn La Mã Arbite (Gaius) Petronius (? – 66). Xibila ở Cumai (the Cumaean sibyl) xin thần Apollo cho một cuộc sống vĩnh cửu nhưng quên xin một tuổi trẻ vĩnh cửu. Cơ thể của Xibila nhăn nheo, teo tóp bỏ được vào trong chai. Trong “Đất hoang” Xibila trở thành bà Sosostris, là người giống như nhà tiên tri mù Tiresias trong thần thoại Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, Tiresias biến thành phụ nữ trong bảy năm rồi lại trở về làm đàn ông, sau đó trở thành người trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các vị thần (Zeus và Hera): Ai là người nhận được nhiều hơn khoái cảm của tình yêu – đàn ông hay phụ nữ? Khoái cảm của phụ nữ mạnh hơn khoái cảm của đàn ông gấp chín lần – kết luận của Tiresias. Vì điều kết luận này mà nữ thần Hera tức giận, đã làm cho Tiresias trở thành mù nhưng được thần Zeus ban cho một cuộc sống trường thọ.

Bậc thầy cao hơn tôi (il migllior fabbro) – đây là câu trả lời của Guido Guinizelli nói về A. Daniel trong những lời trò chuyện với Dante. (Dante. Tĩnh ngục, XXVI, 112-118).
(2)Starnbergersee – hồ nước ở gần Munchen (Munich). Hofgarten là tên một công viên.
(3)Xem: Cựu ước_Ê-xê-chi-ên 2:1 (chú thích của Eliot): Hỡi con người, chân ngươi hãy đứng, ta sẽ phán cùng ngươi. ở chương 37:3 Chúa hỏi Ê-xê-chi-ên: Hỡi con người, những hài cốt này có thể sống chăng? Và Ê-xê-chi-ên trả lời: Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!
(4)Xem: Cựu ước_Truyền đạo 12:5 (chú thích của Eliot), nơi người truyền đạo nói về những ngày gian nan, khó nhọc:
Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.
(5)Xem: Cựu ước_Ê-sai 32:2: Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi.
(6)Mát lành cơn gió thổi... lời thơ trích từ vở nhạc kịch câu chuyện tình “Tristan und Isolt” (Trixtăng và Iđơn, tiếng Đức) của Richard Wagne (1813-1883).
(7)Hyacinth – theo thần thoại Hy Lạp là một chàng trai trẻ đẹp. Sau khi Hyacinth chết thần Apollo lấy xác của hyacinth gieo thành loài hoa lan dạ hương.
(8)Biển hoang vu… tiếng kêu của người đầy tớ mà vua Mác sai đi nhìn ra biển xem có thấy con tàu chở Iđơn.
(9)Thầy bói có tên một Pharaon Ai Cập, Eliot lấy từ một bi kịch của A. Huxley.
(10)Xứ Phê-ni-xi (Phoenicia) – quốc gia cổ đại ở vùng biển Địa Trung Hải.
(11) Belladonna – tên Italia của một quân bài.
(12) Equitone – cũng là tên một trong các quân bài.
(13)Xem: Dante. Địa ngục, III, 55-57 (chú thích của Eliot):
Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
Đông đến mức tôi không thể nào tin được
Rằng thần chết đã nhanh tay như thế!
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
(14)Xem: Dante. Địa ngục, IV, 25-27 (chú thích của Eliot):
Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu van mà là tiếng thở dài
Làm xáo động cả bầu không khí.
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
(15)Đồng hồ chuông của nhà thờ Saint Mary Woolnoth trên phố King William là nơi Eliot thường qua lại khi sống ở Luân Đôn. Để đi đến khu trung tâm tài chính của Luân Đôn (City) cần đi qua cầu Luân Đôn sang bờ bên kia của sông Thames.
(16)Trận đánh Mylae (Battle of Mylae) trong chiến tranh Punic giữa người Roma và người Carthaganian năm 260 – 146 tr. CN.
(17)Eliot dẫn John Webster (1580-1625), tác giả của bi kịch “Con quỉ trắng” (The White Devil, 1612) “Hãy đuổi chó sói/ Kẻ thù của con người/ Để nó không dùng móng chân đào xác chết”. Đây là tiếng khóc của một phụ nữ có đứa con trai đã giết người anh em của mình rồi đào mồ chôn người anh em bị giết.
(18)Đây là một câu trong “Những bông hoa ác” (Les fleurs du mal) của Charles Baudelaire (1821- 1867).

Thơ tình Christina Rossetti


NÀO CÓ AI THẤY GIÓ

Nào có ai thấy gió?
Nào có ai thấy gió?
Cả em và anh
Nhưng mà ta biết gió
Khi chiếc lá rung cành.

Nào có ai thấy gió?
Cả em và cả anh
Nhưng mà ta biết gió
Khi hàng cây cúi mình.


Who Has Seen the Wind?

Who has seen the wind?
Neither I nor you;
But when the leaves hang trembling
The wind is passing through.

Who has seen the wind?
Neither you nor I;
But when the trees bow down their heads
The wind is passing by.


NHỚ


Hãy nhớ em, khi em đã đi về
Xứ sở xa xăm, lặng im tê tái
Khi anh không còn giữ được bàn tay
Còn em đã không còn đường trở lại.

Rồi mai này anh hãy nhớ về em
Khi ngày tháng nối đuôi theo ngày tháng
Nhớ về em, nhưng anh sẽ không cần
Trong mê sảng đớn đau hay cầu nguyện.

Và ngay cả khi anh đà quên hẳn
Thì nhớ mà chớ cay đắng vì ai
Khi phân hủy rã rời, bóng đêm trùm xuống
Em vẫn còn một ao ước khôn nguôi:
Thà anh sẽ quên và nở nụ cười
Còn hơn nhớ mà bờ môi cay đắng.


Remember

Remember me when I am gone away,
Gone far away into the silent land;
When you can no more hold me by the hand,
Nor I half turn to go yet turning stay.

Remember me when no more day by day
You tell me of our future that you planned:
Only remember me; you understand
It will be late to counsel then or pray.

Yet if you should forget me for a while
And afterwards remember, do not grieve:
For if the darkness and corruption leave
A vestige of the thoughts that once I had,
Better by far you should forget and smile
Than that you should remember and be sad.

SAU KHI CHẾT


Màn buông xuống, sàn nhà lau rất sạch
Màu hồng tươi của cây cối trải đầy
Trên giường chỉ mình tôi và cái chết
Dây trường xuân trên cửa sổ lung lay.

Người cúi xuống, nghĩ rằng tôi đang ngủ
Không nghe gì, nhưng tôi vẫn nghe lời:
“Tội nghiệp bé con” rồi quay ra cửa
Trong lặng sâu tôi nghe tiếng thở dài.

Không động áo quan hay chạm bàn tay
Người cũng chẳng che cho tôi gương mặt
Chẳng kê cho tôi chiếc gối lên đầu.

Người chẳng yêu tôi khi tôi còn sống
Khi chết rồi người lại rủ lòng thương
Nước mắt ấm nồng khi tôi đà lạnh cóng.


After Death

The curtains were half drawn, the floor was swept
And strewn with rushes, rosemary and may
Lay thick upon the bed on which I lay,
Where through the lattice ivy-shadows crept.

He leaned above me, thinking that I slept
And could not hear him; but I heard him say:
'Poor child, poor child:' and as he turned away
Came a deep silence, and I knew he wept.

He did not touch the shroud, or raise the fold
That hid my face, or take my hand in his,
Or ruffle the smooth pillows for my head:

He did not love me living; but once dead
He pitied me; and very sweet it is
To know he still is warm though I am cold.




MAI NÀY EM CHẾT

Mai này em chết, anh yêu thương
Đừng hát em nghe khúc ca buồn
Đừng trồng hoa hồng bên ngôi mộ
Đừng trồng cây bách tỏa bóng râm. 

Hãy để trên mồ là cỏ xanh
Là cơn mưa rào, là giọt sương
Nếu anh còn nhớ, xin hãy nhớ
Nếu đã quên rồi, cứ việc quên. 

Em sẽ chẳng còn thấy bóng đêm
Sẽ chẳng còn nghe tiếng mưa buồn
Em sẽ chẳng còn nghe tiếng hót
Của họa mi buồn bã đau thương. 

Khi đã yên giấc giữa vĩnh hằng
Nơi chẳng bình minh, chẳng hoàng hôn
Có thể lại rồi, em sẽ nhớ
Và rồi có thể, để em quên. 


When I am dead, my dearest

When I am dead, my dearest,
Sing no sad songs for me;
Plant thou no roses at my head,
Nor shady cypress tree:

Be the green grass above me
With showers and dewdrops wet;
And if thou wilt, remember,
And if thou wilt, forget.

I shall not see the shadows,
I shall not feel the rain;
I shall not hear the nightingale
Sing on, as if in pain:

And dreaming through the twilight
That doth not rise nor set,
Haply I may remember,
And haply may forget.




EM VẪN MONG NHỚ LẠI BUỔI BAN ĐẦU

Em vẫn mong nhớ lại buổi ban đầu
Giây phút đầu tiên cùng anh gặp gỡ
Trời hôm đó tối tăm hay sáng tỏ
Đông hay hè, em còn nhớ nữa đâu. 

Cứ thế rồi ai có để ý nhìn
Em mù quáng đâu có nhìn thấy trước
Em dại dột, không biết cây tươi tốt
Và nở hoa sau rất nhiều tháng Năm. 

Giá mà em có thể nhớ một điều
Ngày tiếp ngày! Cứ đi rồi cứ đến 
Không dấu vết, rồi tan như tuyết trắng
Cứ ngõ như quá ít, lại quá nhiều. 

Giá như bây giờ em nhớ cái lần
Tay khẽ chạm tay – chỉ có em và anh.


I wish I could remember that first day

I wish I could remember that first day,
First hour, first moment of your meeting me,
If bright or dim the season, it might be
Summer or Winter for aught I can say;

So unrecorded did it slip away,
So blind was I to see and to foresee,
So dull to mark the budding of my tree
That would not blossom yet for many a May.

If only I could recollect it, such
A day of days! I let it come and go
As traceless as a thaw of bygone snow;
It seemed to mean so little, meant so much;

If only now I could recall that touch,
First touch of hand in hand – Did one but know!