Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Thơ tình Jaroslav Seifert



THƯỜNG TRONG PHÚT GIÂY LY BIỆT

Thường trong phút giây ly biệt
Ta cầm khăn màu trắng vẫy trên tay
Có điều gì kết thúc với ngày hôm nay
Và có điều gì bắt đầu trong ngày mai tốt đẹp.

Chim bồ câu mang thư ai bay xa
Giang đôi cánh giữa bầu trời xanh thắm
Dù mới mẻ hay không, niềm hy vọng
Dù ở đâu ta vẫn bước về nhà.

Em đưa tay chùi nước mắt
Nở nụ cười trong mắt lệ đầy vơi
Có điều gì kết thúc với ngày hôm nay
Và có điều gì bắt đầu trong ngày mai tốt đẹp.




CẬU BÉ VỚI TẤM BẢN ĐỒ


Cậu bé với tấm bản đồ
Cả ngày trong phòng tìm kiếm
Cậu chúi đầu vào mạng nhện
Những kinh, vĩ tuyến bao la.

Cậu bé cúi xuống sàn nhà
Nghe ra rì rào tiếng sóng
Và cậu nhìn thấy biển trong mơ:

Bé bằng hạt đậu – nước Tiệp
Praha – bé bằng hạt kê thôi
Cứ ngỡ như là khủng khiếp
Cậu bé ngước nhìn bầu trời.

Đám mây bay trong giấc mộng
Như thuyền trôi giữa đại dương
Qua ánh sáng của cầu vồng
Cậu nhìn ra tổ quốc yêu mến.

Đám mây vẫn bay với Chúa Trời
Cánh buồm giữa bầu trời vẫn lướt
Cành táo nở hoa trắng toát
Đưa ta về tổ quốc mà thôi.

Ở nơi đó đan kết những cuộc đời
Những con sóng rì rào trong xa thẳm…
Nhưng nếu như đã không mơ về biển
Thì mỗi chúng ta đã từng là ai?



TƯỢNG ĐÀI CHO BỆNH DỊCH

1
Đưa mắt nhìn quanh bốn phía
có bốn chàng hiệp sĩ
đội quân của nhà trời.
Nhưng khắp bốn phía này
có bốn ổ khóa
bốn ổ khóa nặng nề. 

Còn ánh mặt trời lắc lư
cái bóng của tượng đài cổ kính
từ giờ Gông Cùm
đến giờ Nhảy Múa
từ giờ Hoa Hồng
đến giờ của Rắn
từ giờ Nụ Cười
đến giờ Tức Giận
từ giờ Hy Vọng
đến Không Bao Giờ…

Và chỉ còn bước ngắn
từ giờ Tuyệt vọng
đến cửa Tử thần.
Và cuộc đời ta vội vàng
như ngón tay trên giấy nhám
ngày… tuần… tháng... năm…
Và đã có những lúc chúng ta dành
cả năm trời cho nước mắt cay đắng.

Và tôi đi quanh bức tượng
nơi từng một thuở hẹn hò 
nghe tiếng của nước mưa
từ miệng của ngày Tận thế…  

Và khi đó
tôi thấy nước in từng bóng nhỏ
trên gương mặt của em.

Đấy là vào giờ của Hoa Hồng…

2
Con ơi, con hãy làm ơn
trèo lên đài phun
và trên vách đá kia con hãy đọc
những dòng mà bốn quyển Phúc Âm đã viết.

Tác giả cuốn Mathiơ đầu tiên:
“Vả lại, có ai trong vòng
các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được
dài thêm một khắc không?”*    

Và Mác, trong quyển thứ hai đã viết:
“Có ai đem đèn đặt dưới cái thùng
hoặc dưới cái giường?
mà trên chân đèn không đặt?**  
Còn cuốn thứ ba, Luca viết rằng:
“Mắt là đèn soi sáng cho thân thể
nhưng ở nơi thân thể tối tăm
thì chim ó sẽ nhóm về ở đó”***… 

Và cuối cùng là quyển Giăng
Ông đã viết gì ở đó?
Con hãy mở xem, hãy mở!
Để thử xem
dù cho phải mở nó bằng răng!

3
Tôi được rửa tội ở nhà nguyện bệnh dịch
Của Thánh Roch, gần nghĩa trang Olšan.

Khi bệnh dịch ở Praha hoành hành 
người ta đem chất xác quanh nhà nguyện
xác chất cao thành từng đống.
Rồi xương thịt người chết theo thời gian
cũng đã trở thành đất đai bụi bặm.

Tôi đã nhiều lần lang thang, thơ thẩn
ở nơi đau buồn này
nhưng tôi không hề từ chối niềm vui
mà tôi có được từ cuộc sống.
Tôi cảm thấy ấm áp giữa hơi thở những con người
và khi lang thang thơ thẩn khắp nơi
tôi cố nắm bắt mùi hương từ mái tóc phụ nữ.

Trên những bậc thang của những quán rượu ở Olšan

tôi đã quì xuống để nghe hằng đêm 
giọng của những người đào mộ
Những bài hát của họ nghe rất thô lỗ!
Nhưng từ lâu những bài hát đã im
những người đào mộ đã lần lượt chôn mình…

Còn khi đến mùa xuân
tôi cầm bút cùng với cây đàn
đi về nơi có hoa anh đào nở
gần bức tường nhà nguyện ở bờ nam.

Khi ngất ngây giữa mùi hương
tôi hồi tưởng về biết bao cô gái
lặng lẽ cởi quần cởi áo trong đêm
rồi nhẹ nhàng treo lên thành ghế…
Nhưng –
với những niềm vui như thế
tôi còn chừng 5 năm, mà chẳng ít hơn…
     
4
Tôi thường đứng rất lâu để nhìn
một tháp chuông bằng gỗ
(đã từ lâu không còn ngân vang nữa)
ngắm những bức tượng u buồn
trong nghĩa trang Malostran.

(Những bức tượng này mục nát
còn nhanh hơn những người đã chết
chôn ở dưới chân…) 

Người vẫn ra đi lần lần
người vẫn ra đi lặng lẽ
với những nụ cười một thuở
trong số họ đã từng
không chỉ là phụ nữ
mà cả chiến binh lừng lẫy chiến công…

Tôi chưa về thăm chốn ấy đã nhiều năm.


5
Xin hãy nhớ rằng đừng để một ai
ảo tưởng rằng dịch hạch giờ đã hết
rằng bệnh dịch hạch đã kết thúc rồi…
Đấy không phải là sự thật!
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều quan tài
vẫn đi chầm chậm đến những cổng này
và còn bao cổng khác…

Không, không – bệnh dịch hạch vẫn đang gào thét!
Chỉ giản đơn
là những thầy thuốc
để tránh sự kinh hoàng
đã gọi một cách khôn ngoan
rằng ngày – với tên gọi khác.
Nhưng cái chết thì vẫn là cái chết
và vẫn là bệnh dịch hạch lây lan.
Khi tôi nhìn qua cửa sổ của mình
vẫn những con ngựa, vẫn những xe tang
và vẫn những chiếc quan tài còi cọc.

Nhưng giờ tiếng chuông đã chẳng còn ngân.
Chẳng còn thập ác trên những lầu chuông.
Và cả những cành bách xù tỏa khói
cũng không còn…
6
Trên đồng cỏ Julian
chúng tôi nằm nghỉ một hôm vào buổi tối

Thành phố chìm trong bóng tối.
Và từ bờ sông gần đấy
nghe rõ ràng tiếng khóc của ễnh ương.

Một cô gái trẻ người Digan bước đến gần
cô mặc chiếc áo khuy cài một nửa.
Và cô đề nghị chúng tôi xem bói.
Cô xem tay Halas và nói thế này:
“Anh sẽ không sống đến tuổi năm mươi!”
Còn xem tay Artus Chernik, cô nói:
“Anh sống lâu hơn anh này một ít.”

Còn tôi thì không muốn biết
tôi thấy sợ kinh hoàng…
Nhưng cô cầm tay tôi cưỡng bức
và tức giận kêu lên:
“Anh sẽ sống rất lâu, rất lâu năm!...”

Thì tôi hiểu rằng
đấy là kết án tôi, là sự báo thù của nàng…

7
Biết bao nhiêu bài hát và thơ tôi đã viết!
Chiến tranh đã từng lan khắp mọi nơi
thế mà tôi
đem bờ môi chạm đôi bông tai
và thì thầm những câu thơ tình ái…
Liệu có thấy rằng xấu hổ?
có lẽ là không!

Chỉ khi em vừa ngủ thiếp đi
anh đã đặt lên người em vòng hoa thơ sonnet
và anh quì…
(nó còn tốt hơn cả vòng nguyệt quế
trao cho người chiến thắng giải đua xe!)

Từng một lần đã gặp gỡ hai ta
bên cạnh đài phun nước
nhưng mỗi người đi đường mình
theo hướng khác
đường phố khác
và khác cả thời gian…

Rồi rất lâu anh đã hình dung
rằng đôi chân của em anh đã thấy
rằng anh đã nghe tiếng cười của em
rằng thậm chí…
Nhưng người này không phải là em.

Dù sao thì một lần anh đã thấy
đôi mắt của em!

8
Cột sống của tôi ba lần
người ta bôi dày I-ốt lên
thứ chất lỏng có màu vàng sẫm
như khuôn mặt của những công chúa Ấn
trên cầu thang hẹp đi vào ngôi đền
gần những chú voi mang vương miện
đung đưa trên đường cái nhịp nhàng.

Còn cái cô ở giữa
là người đẹp hơn tất cả
đã mỉm cười với tôi…
Lạy Chúa tôi –
điều gì chạy vào trong đầu như thế
khi tôi nằm trên bàn mổ thế này!

Và họ bật đèn sáng trên người tôi
bác sĩ phẫu thuật đưa con dao mổ
vết mổ đầu tiên rất dài…

Sau đó tôi đã tỉnh rất nhanh
nhưng rồi mắt lại nhắm
dù sao thì tôi vẫn kịp nhìn:
sau cái mặt nạ vô trùng màu trắng
đôi con mắt phụ nữ ngời lên!
Tôi cố hết sức cười mỉm –
xin chào, đôi mắt đẹp tuyệt trần!

Nhưng mạch máu của tôi bị những dây chằng
và những móc kéo căng vết thương
để bác sĩ dễ dàng di chuyển
cơ dựng cột sống lưng…
Tôi rên trong thầm lặng
với tư thế nằm nghiêng
và đôi bàn tay thả lỏng
cô y tá giữ trên đầu gối của mình
khi phía trước đầu tôi cô đứng…
Bàn tay của tôi ôm lấy mông
và điên cuồng áp sát
như người thợ lặn khi thấy được
chiếc bình cổ, liền chộp để bơi lên…
Nhưng lúc này thuốc mê thiopental
bắt đầu ngấm vào tĩnh mạch
tất cả tối đen trước mặt
tất cả đi vào lãng quên…
Hỡi cô y tá mến thương
trên người em có vài nơi bầm tím…
Tôi vẫn nhớ mãi, không quên
tôi xin em đừng giận…
Dù trong lòng vẫn thì thầm: tiếc lắm
tiếc rằng, dù chỉ trong một phút giây
giữ được chiến lợi phẩm!
Thật tiếc lắm thay!!!

9
Vì sao người đầu bạc được gọi là khôn?
Nếu ngọn lửa trong bụi gai đã từng cháy hết
thì sự khôn ngoan có ích gì không?
Và đấy vẫn là thói thường…

Đất rơi như mưa đá trên quan tài
rồi sau đó sẽ dựng đài tưởng niệm
để bốn nhà văn của quốc gia
dựa lưng vào trong im lặng
vội vàng viết, viết, và viết ra
những cuốn best seller…

Mà khi đài phun không còn nước nữa
thì mẩu thuốc dâng đầy.
Bóng của đá di chuyển dưới mặt trời.
Đời trôi đi mà không vì điều gì cả…

Tôi thì không muốn thế.


10
Điều tồi tệ nhất đã qua
tôi tự nói với mình: ta đã già!
Điều tồi tệ nhất chưa đến:
vì tôi còn sống.
Nhưng nếu bạn muốn biết –
rằng tôi đã từng hạnh phúc!
đôi khi cả ngày
đôi khi cả giờ
đôi khi vài phút…
thì vẫn đủ thôi!

Cả đời tôi chung thủy với tình yêu.

Nếu đôi bàn tay phụ nữ là đôi cánh
thế đôi bàn chân thì sao???

Mặc người ta dùng đầu gối đè đầu tôi!
Tôi sẽ nhắm mắt lại trong cơn mê
cho đến khi máu ròng ròng chảy xuống
bên thái dương bị đè nén!
Nhưng nhắm mắt làm ngơ để làm gì?

11
Dưới đây là danh mục các loại tên lửa khác nhau:
đất đối không
đất đối đất
đất đối biển
không đối đất
không đối biển
không đối không
biển đối không
biển đối biển
biển đối đất…

Thành phố hãy lặng im, cho ta nghe lời đập nước…
Người ta đi về nhưng không muốn biết
rằng có những gì trên đầu họ đang bay
khi từ cửa sổ đang vẫy những bàn tay
tình yêu chỉ đem tình đối lại:
môi đối mắt
môi đối má
môi đối môi
vân vân và vân vân, như thế
một khi tay chưa kéo xuống bức màn
và mục tiêu chưa đóng lại.

12
Trong căn phòng trời nhiều cạnh
giữa những giỏ khâu khác nhau
và giữa những đôi giày lông vũ
mặt trăng rực lửa
sẽ phơi cái bụng của mình.

Chim sẻ hãy còn chưa mổ vào thuốc phiện
sau cành hoa đóng băng
thì mặt trăng đã tính đếm
những ngày sơn ca của mình.
Và trong độ sâu huyền bí
ai đó ôm động cơ bí ẩn chơi vơi
động cơ của con tim nhỏ bé
sẽ tích tắc trong suốt cuộc đời.  

= = =
*Mathiơ, 6: 27; **Mác, 4: 21; ***Luca, 11: 34; 17: 37.


Thơ tình Wole Soyinka


CHUYỆN TRÒ QUA ĐIỆN THOẠI
(Telephone Conversation)

Giá cả phải chăng. Ngôi nhà nằm ở vùng
Cũng bình thường. Chủ nhà từng sống đấy
Duy chỉ có một điều còn lại
Là tôi thú nhận rất thành tâm
Nên tôi gọi: “Thưa cô, tôi báo trước rằng
Tôi là người châu Phi đấy nhé”.
Im lặng một hồi, rồi sau giọng nói
Có vẻ như có áp lực vô cùng
Qua răng vàng, qua đôi môi đầy son
Một câu hỏi dường như rất sửng sốt:
“Anh là người sáng hay tối màu da?”
Tôi chưa nghe ra. Hai nút bấm B và A
Mùi hôi từ bục điện thoại màu đỏ
Ngoài kia cũng xe hai tầng màu đỏ
Những chiếc xe buýt phóng trên đường
Thế giới thực của đời sống bình thường.
Một chút xấu hổ bằng cách im lặng
Để tìm sự giải thích sao cho đúng
Và cô hỏi lại – có phần nhấn mạnh:
“Anh là người sáng hay tối màu da?”
“Ý cô là gì, tôi không hiểu, thưa cô
Sô cô la sữa hay là sô cô la sạch?”
“Vâng”. Sự khẳng định như dao phẫu thuật
Nhưng sự thiếu tự tin lan tỏa, kéo dài.
Còn tôi đã chọn cách giải thích này:
“Màu của mực nang tây Phi, cô ạ –
Tôi nói thêm – đại loại là như thế”.
Trí tưởng tưởng dường như được bay lên
Trên một tầm cao, thế nhưng bỗng nhiên
Một sự thật dùng dằng qua ống nói;
“Nghĩa là thế nào?” – “Tôi người tóc đen” – 
 “Anh chắc đen như bồ hóng?” – “Không hẳn.
Khuôn mặt thưa cô, tất nhiên là đen
Nhưng mà lòng bàn tay, bàn chân
Thì trắng như những người tóc sáng 
Nhưng mà thưa cô, có điều sầu muộn
Con quạ phía dưới đen thui – một phút thôi…”
Cảm nhận như ống nói sắp vỡ đôi
Vì tiếng sấm bên tai, tôi nài nỉ:
“Thưa cô, hay là cô cho chính mình
Hãy nhìn thử nhé…” 



ABIKU

Đứa con giang hồ. Đây là đứa trẻ đang chết
nhưng liên tục sống lại để hành hạ người mẹ.
Tín ngưỡng của người Yoruba.

Lời nguyện cầu âm thầm vô ích
Đấy là tràng hạt quyến rũ dưới bàn chân
Ta là Abiku, lên tiếng gọi đầu tiên
Để xin được đầu thai vào kiếp khác.

Ta đâu có cần những bầy gia súc
Hay tro rắc với dầu cọ mà chi
Bùa hộ mệnh không có trong củ từ
Dùng để chôn Abiku vào đất.

Hãy đem nướng một con ốc trên bếp
Rồi hãy cầm cái vỏ con ốc kia
Ép thật sâu vào ngực Abiku
Để khi gọi sẽ dễ dàng nhận biết.

Ta là răng con sóc, và vết nứt
Là bí ẩn bàn tay. Hãy nhớ xem
Đào thật sâu vào chân sưng của thần
Để nhận ra kẻ lưu đày muôn kiếp.

Một lần, và khi thời gian lặp lại
Dù buồn nôn ta vẫn phải hồi sinh
Lễ dâng rượu chỉ cho ta con đường
Và nơi chốn để ta về lối ấy.

Đất đẫm ướt vì nước mắt tang thương
Để chim gặp nạn dưới làn sương trắng
Buổi tối kết bạn  với từng con nhện
Để ruồi bay trong gió bọt đau buồn.

Abiku hút dầu từ ngọn đèn
Đêm cho cuộc sống, bình minh – cái chết
Con rắn trên ngưỡng hao gầy khóc thét
Cho sự sinh ra rồi chết của mình.

Khi cây đến hạn thì trái nảy sinh
Và trái chín lại rụng về với đất
Mẹ ban cho Abiku sự chết
Là sự vĩnh hằng của mẹ đầu tiên.



TÔI NGHĨ RẰNG TRỜI MƯA
(I think it rains)

Tôi nghĩ rằng trời mưa
Để lưỡi nặng nề vì kiến thức
Có thể dứt ra được
Khỏi vòm miệng đã khô.

Tôi thấy rất bất ngờ
Các đám mây từ tro bụi
Kết thành vòng tròn xám, mà trong đó
Một linh hồn cuộn tròn vo.

Trời đã phải đổ cơn mưa
Để đóng vào tâm trí và giam giữ
Chúng mình trong cơn tuyệt vọng vô cùng lạ
Cám dỗ ta bằng sự buồn chán, ê chề.

Và cơn mưa đã có đánh bằng
Con dao trong suốt giấu trên đôi cánh
Và lễ báp têm cho dù tàn nhẫn
Vẫn cho ta những khao khát kín thầm.

Ôi những cơn mưa như cây
Đã dạn dày với bao nhiêu ân sủng
Cùng với mặt đất của tôi, khi người đến
Từ đằng xa, chỉ có đá mà thôi.



CHẾT BUỔI BÌNH MINH 
(Death in the Dawn)

Người lữ hành, bạn hãy lên đường
Vào buổi bình minh. Và đôi chân trần hãy đạp
Tựa như mũi con chó, lên đất ẩm ướt. 

Hãy để ánh bình minh thổi tắt những ngọn đèn
Nhìn mặt trời như bàn chải giữa bầu trời sáng
Những bàn chân cuộn bông xẻ những con giun sớm
Bằng cuốc bàn. Bóng không còn tan giữa không trung
Của hoàng hôn chết và nỗi buồn mỏi mệt. 

Đấy là sự lung linh mềm và bóng tối bò trườn
Niềm hân hoan và nỗi sợ hãi đang nhảy nhót
Cho ngày bất lực. Những gánh nặng dần rút bớt
Và những đám đông thiếu đường nét bò trườn
Đánh thức những thị trường im lặng. Vội vàng
Và câm nín đi trên những con đường xám. 

Và bỗng đột ngột
Khi đến mùa đông
Thấy lạnh khắp thân mình
Người thổi kèn của bình minh đã chết.
Những thác nước giăng đầy lông bạc
Một sự hy sinh vô ích. Và khắp nơi tiếp tục
Một nghi thức tối tăm. 

Chân phải cho niềm vui, chân trái thì sợ hãi
“Con ơi – mẹ cầu nguyện thầm thì –
Con chớ bao giờ bước đi
Theo những con đường đói” 

Người lữ hành, bạn hãy lên đường
Trong buổi bình minh.
Tôi hứa với bạn điều diệu kỳ trong giờ thánh
Bạn linh cảm trong tiếng gà vỗ cánh
Điều bạo lực… Ai ghìm cơn giận của đàn ông
Đang đi về phía trước rất dũng mãnh?

Ôi người anh em sinh đôi của tôi
Đang im lặng trong vòng tay
Vòng tay rộng mở này, chẳng lẽ
Hình ảnh cong đấy chính là – tôi?


NHỮNG SỢI TÓC BẠC ĐẦU TIÊN
(To my first white hairs)

Như mây bồng bềnh, mái tóc tôi đen sì
Và dày đặc, đưa tay không xuyên lọt
Trên đầu tôi – thưa ngài – cho đến khi… 

Đột ngột như mầm lúa mì mọc sau mưa
Như tia chớp bừng lên rồi thu hẹp
Như tiếng ve ran dưới ánh mặt trời kia. 

Ba sợi tóc trắng! Ba kẻ xa lạ rụt rè
Giải thích cho thời gian. Tôi coi như dây dẫn
Chỉ rõ ràng qua kính lúp, nhưng sau thì

Chúng chiếm lĩnh tất cả! Loại bỏ đi
Sự tôn kính dối gian. Mùa đông dệt lưới
Giăng xung quanh vương miện của nấm kia.



KOKO OLORO

Thần kno* nhân hậu
Hãy cầu nguyện cho tôi
Trang trại và núi đồi
Hãy cầu cho tôi nhé
Sông suối và ngọn gió
Hãy cầu nguyện cho tôi
Con đường dài xa xôi
Hãy cầu cho tôi nhé
Tôi gom nhiều chiếc lá
Và tôi đem ba quả
Đặt trước cửa nhà ngươi
Xin hãy mang những lời
Nguyện cầu đầy cay đắng
Của ba đào số phận
Bay thẳng lên bầu trời
Hãy cầu nguyện cho tôi!
____________
*Vị thần bảo vệ trẻ em.


TẶNG MARGE, NỮ CA SĨ DA ĐEN, NEW YORK

Cây nho lạnh lẽo, thờ ơ
Mọc trong đêm vắng
Lời đáp lại thẳm sâu

Giọng của em trong tĩnh mạch mùa thu sầu
Liên kết cùng với bao nhiêu giọng
Của những người vốn xa lạ với nhau 

Chìm trong sợ hãi
Trên đường phố, trong ống rượu sẫm màu
Run lên trong luồng sáng đèn nhấp nháy

Ta hỏi em chăng, hỡi nữ thần
Vị của rượu hôm nay là gì vậy?
Vị của rượu hôm nay có màu đen

Đen như sẹo của sâu thẳm một vết thương
Như lời hứa hẹn của những khổ đau không lời mới
Và tình trạng vô pháp luật, bạo hành

Giọng của em là sứ giả cô đơn
Trong bóng đêm, rượu chảy thành dòng hờ hững.